Tham dự buổi lễ có PGS. TS. BS. Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng; TS. BSCKII. Phạm Quốc Dũng, Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. DS. Nguyễn Đăng Thoại, Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. BS. Phạm Đăng Diệu, Nguyên Phó Hiệu trưởng, Nguyên Trưởng Bộ môn Giải Phẫu; PGS. TS. BS. Trần Công Toại, Trưởng khoa Khoa học cơ bản - Y học cơ sở; ThS. BS. Đoàn Dương Chí Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Trà Vinh; ThS. Trương Thị Sao Mai, đại diện Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; quý Thầy cô lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm cùng với thân nhân và sinh viên trường tham dự.
Ảnh 1. Lãnh đạo nhà trường cùng toàn thể quý thầy cô, thân nhân và sinh viên thực hiện nghi lễ Tri ân trước bài vị những người hiến thi hài cho khoa học.
Lễ hội Macchabeé có nguồn gốc từ phương Tây, được hình thành từ thế kỉ XVI - thời điểm tôn giáo ngự trị luôn chống đối sự phát triển của khoa học kỹ thuật và Y học. Cũng như bây giờ, Giải phẫu học là môn cơ sở bắt buộc, là cánh cửa đầu tiên trước khi bước chân vào thế giới của Y học, nhưng sinh viên Y khoa khi ấy chỉ được thực tập trên xác động vật vì những định kiến và áp lực từ tôn giáo. Và như vậy thì những bộ phận trên thân thể người vẫn mãi là cánh cửa bí mật không thể khám phá.
Nhận thấy những hạn chế đó, bác sĩ người Pháp Judas Macchabée đã cùng những đồng nghiệp và sinh viên lén lút đào mộ lấy cắp tử thi mới được đem chôn, hoặc bí mật đưa những xác chết vô thừa nhận ngoài đường về đem giấu ở những hầm rượu để giải phẫu. Tưởng nhớ “những người thầy thầm lặng” này, bác sĩ Macchabée đặt ra một buổi Lễ, lấy ngày thứ sáu cuối cùng của tháng 12 hằng năm làm ngày tổ chức, vì theo Thiên chúa giáo thì Chúa Jesus mất vào ngày thứ 6.
Ở Việt Nam, trường đào tạo Y khoa đầu tiên được thành lập năm 1902 tại Hà Nội với vị Hiệu trưởng là BS. Alexandre Yersin, khi đó Lễ hội Macchabée vẫn thường được tổ chức hằng năm. Từ 1954, do ảnh hưởng của những biến động lịch sử nên Lễ hội ngừng tổ chức. Mãi đến năm 1990, cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, PGS. Nguyễn Quang Quyền, Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tái tổ chức Lễ hội Macchabée nhằm tri ân những người đã hiến thi hài cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo Y khoa. Lễ hội năm 1990 ở Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nối và hòa nhập với Lễ tạ ơn Macchabée trên thế giới. Từ đó, Lễ hội đã nhanh chóng lan truyền sang tất cả các trường đại học Y ở Việt Nam, trở thành một ngày Lễ không thể thiếu đối với sinh viên Y khoa, với Nghi lễ tạ ơn và thông qua đó góp phần giáo dục Y đức cho sinh viên.
Ảnh 2. TS. BS. Lê Quang Tuyền, Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản - Y học cơ sở, Trưởng Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đọc diễn văn khai mạc buổi lễ.
“Những người thầy thầm lặng” ấy tuy đã nằm xuống nhưng họ cùng chung một ước nguyện cao cả, để cái chết không đi vào cát bụi, để cái chết mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Họ gửi gắm lại những ước mơ, hy vọng, mở ra những cơ hội mới và mong cầu nền Y khoa tương lai sẽ phát triển nhiều hơn. Họ vẫn luôn ở đó, luôn bên cạnh chúng ta trong một hình hài khác. Họ soi sáng, dẫn lối chúng ta trong những đêm tối để chúng ta bước đến bến bờ tri thức và ước mơ như những vì sao trên bầu trời đêm. Khi hoa pháo tắt, ánh sáng từ những vì sao vẫn mãi mãi chiếu rọi trên thế gian này. Mỗi chúng ta đều mang trong mình một ngọn lửa không bao giờ lụi tàn, là minh chứng cho sự sống bất diệt và sự tiếp nối của những ước mơ, khát vọng lớn lao.
Với lòng biết ơn sâu sắc với “những người thầy thầm lặng” nguyện hiến thân xác mình cho sự phát triển của y học, toàn thể lãnh đạo nhà trường, quý thầy cô và các bạn sinh viên gửi lời tri ân chân thành nhất đến những người mẹ, người cha hay những người con có cha, mẹ, người thân đang nằm đó. Những vị đã có sự hy sinh đáng trân quý, xóa nhòa đi nỗi đau mất mát người thân để hoàn thành tâm nguyện người đã khuất.
Ảnh 3. Người thân chia sẻ lại tâm tư, nguyện vọng, lời dặn cao quý trước khi qua đời của những người đã hiến thi hài mình cho khoa học - “những người thầy thầm lặng”
của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Sau buổi Lễ tri ân tại Đại giảng đường Phạm Ngọc Thạch, nhà trường thực hiện nghi thức rước bài vị Tri ân đến Phòng Thực tập, Bộ môn Giải phẫu tại khu C trường để trực tiếp dâng hương tri ân và có dịp để người thân gặp lại hình hài, thân xác của người thân yêu đã cống hiến thi hài mình cho khoa học.
Ảnh 4. Lãnh đạo nhà trường cùng với quý thầy cô, người thân, sinh viên thực hiện nghi thức dân hương tri ân những người hiến thi hài cho khoa học tại Phòng Thực tập, khu C.
Ảnh 5, 6, 7, 8. Buổi gặp lại đầy xúc động, nơi tình thân và lòng tri ân giao hoà, nơi yêu thương vượt qua
ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Bày tỏ lòng thành kính và tri ân sâu sắc nhất, tri ân vì bài học y đức vỡ lòng trĩu nặng ân tình! Tập thể Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ luôn trân quý những thời khắc thực hành trên thi hài, cố gắng học tập, làm việc, nghiên cứu khoa học để phục vụ tốt sức khỏe cho nhân dân, để những nghĩa cử cao đẹp ấy được duy trì mai sau và mãi mãi.
Trước thềm năm mới Xuân Ất Tỵ 2025, Tập thể Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kính chúc người thân của những người hiến thi hài cho khoa học dồi dào sức khỏe, bình an, hạnh phúc và nguyện ước cho “những người thầy thầm lặng” sinh về nơi an lành, tốt đẹp.
TS. BS. Đặng Chí Vũ Luân