Với mục đích cập nhật thông tin, kiến thức về Chăm sóc Sức khỏe Ban đầu từ Tuyên ngôn Alma Ata (1978) đến Tuyên ngôn Astana (2018); Xây dựng mô hình Trạm y tế thực hiện Chăm sóc Sức khỏe ban đầu, Hội nghị “Vai trò y tế cơ sở trong Chăm sóc sức khỏe ban đầu” là cơ hội cập nhật kiến thức về Chăm sóc Sức khỏe ban đầu cho Lãnh đạo 21 Trung tâm Y tế quận/huyện, TP. Thủ Đức và các nhân viên y tế tuyến cơ sở đang công tác trên địa bàn TP. HCM.
Tham dự Hội nghị, có sự hiện diện của GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng, Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam; TS. BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM; Thầy Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM; PGS. TS. BS. Đặng Văn Chính, Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TP. HCM; PGS. TS. BS. Vũ Quang Huy, Chủ tịch Hội các trường Kỹ thuật Xét nghiệm Y học Đông Nam Á; Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. HCM; TS. BS. Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP. HCM; Lãnh đạoTrung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM; Lãnh đạo các bệnh viện tại TP. HCM; Lãnh đạo 21 Trung tâm Y tế quận/huyện và TP. Thủ Đức; Quý Thầy, Cô đến từ các Trường Đại học tại TP. HCM; Các nhân viên y tế tuyến cơ sở tại TP. HCM.
Về phía nhà trường, có sự hiện diện của PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS. BS. Tăng Kim Hồng, Phó trưởng Khoa Y tế Công cộng (phụ trách quản lý, điều hành); Lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ đến từ Phòng khám Đa khoa, Khoa Y tế Công cộng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Ảnh 1. Toàn cảnh Hội nghị.
Trong thời gian vừa qua, nhằm triển khai thực hiện Đề án phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại TP. HCM giai đoạn 2021 – 2030, UBND TP. HCM, Sở Y tế TP. HCM cùng các đơn vị chức năng đã triển khai nhiều chương trình và hoạt động. Trong năm 2023, nhiều hoạt động phát triển y tế cộng đồng đã được triển khai như chương trình thí điểm đào tạo thực hành tại Bệnh viện Đa khoa gắn với Trạm Y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp, khóa thứ ba; Triển khai Đề án phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, các hoạt động trong chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại TP. HCM.
Những chương trình vừa qua đã một lần nữa khẳng định hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu là giải pháp cốt lõi để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và việc mở rộng hoạt động phát hiện, quản lý điều trị và tư vấn phòng bệnh các bệnh mạn tính không lây tại tuyến y tế cơ sở là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế Thành phố trong năm 2024.
Ảnh 2. TS. BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các bài báo cáo đã tập trung vào nhiều khía cạnh quan trọng, làm nổi bật tầm quan trọng của y tế cơ sở trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân (bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ). Đồng thời, các báo cáo cũng chỉ ra những thách thức trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trạm y tế; Vai trò của Bác sĩ gia đình trong chăm sóc sức khoẻ.
Các bài báo cáo tại Hội nghị trong sáng 20/9/2024 gồm:
1. “Y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu” của GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng, Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyên Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam.
2. “Chăm sóc sức khỏe ban đầu: Từ Alma Ata đến Astana” của TS. BS. Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP. HCM.
3. “Thách thức trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trạm y tế” của BSCKI. Nguyễn Ngọc Thuỳ Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM.
4. “Vai trò của Bác sĩ gia đình trong chăm sóc sức khỏe: Nhu cầu và giải pháp” của PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
5. “Bác sĩ gia đình, tuyến đầu, tuyến đích” của Thầy Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM.
Trong bài báo cáo mở đầu Hội nghị, GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân khi Ông gọi “Y tế cơ sở là tuyến đầu và là chân đế của ngành y tế”. Y tế cơ sở là nền tảng không thể thiếu của toàn bộ hệ thống y tế, đóng vai trò tiên phong trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nơi đại đa số người dân đều có thể tiếp cận. Y tế cơ sở chính là lớp bảo vệ đầu tiên, nơi mà các bệnh lý có thể được phát hiện và điều trị sớm, từ đó ngăn ngừa sự phát triển nặng hơn và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giúp người dân giảm chi phí bỏ ra để điều trị bệnh, góp phần làm giảm đói nghèo.
Ảnh 3. GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng khẳng định “Y tế cơ sở là nằm trong dân, sát nhà dân” thể hiện sự gần gũi và thiết yếu của mạng lưới y tế cơ sở đối với đời sống người dân.
Tiếp theo chương tình Hội nghị, bài báo cáo “Chăm sóc sức khỏe ban đầu: Từ Alma Ata đến Astana” của TS. BS. Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP. HCM mang lại cái nhìn toàn diện về sự phát triển và tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe ban đầu qua hai cột mốc quan trọng: Tuyên bố Alma Ata (1978) và Tuyên bố Astana (2018), nhấn mạnh rằng y tế cơ sở, dù đã có sự tiến bộ, vẫn cần phải phát triển hơn nữa để đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Ảnh 4. TS. BS. Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP. HCM báo cáo tại Hội nghị.
Liên tục chương trình, bài báo cáo “Vai trò của Bác sĩ gia đình trong chăm sóc sức khỏe: Nhu cầu và giải pháp” của PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp tập trung phân tích tầm quan trọng của bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều kiện để phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế. PGS. Hiệp nhấn mạnh rằng hoạt động bác sĩ gia đình mang lại nhiều hiệu quả như giảm chi phí y tế, tăng tuổi thọ người dân, giảm tỉ lệ bệnh nặng, tăng sự hài lòng của người dân về các dịch vụ y tế, đồng thời mang đến sự công bằng trong chăm sóc y tế. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí, giảm nghèo mà còn cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.
Ảnh 5. PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp khẳng định việc triển khai mạng lưới phòng khám Bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quả tải bệnh viện, mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế.
Ảnh 6. BSCKI. Nguyễn Ngọc Thuỳ Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM với bài báo cáo “Thách thức trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trạm y tế”.
Báo cáo tại Hội nghị, Thầy Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, nhấn mạnh rằng Bác sĩ gia đình là “tuyến đầu” và cũng là “tuyến đích” của hệ thống y tế. Ông khẳng định vai trò quan trọng của bác sĩ gia đình trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, không chỉ đảm nhiệm chức năng tuyến đầu trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu mà còn là nơi tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài cho bệnh nhân. Thầy Dũng cũng nhấn mạnh rằng chăm sóc sức khỏe không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội và tất cả các tổ chức, trong đó ngành y tế đóng vai trò nòng cốt.
Ảnh 7. Thầy Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM báo cáo tại Hội nghị.
Hội nghị “Vai trò y tế cơ sở trong Chăm sóc sức khỏe ban đầu” đã tạo điều kiện để các trung tâm y tế và nhân viên y tế tuyến đầu nhận thức sâu sắc hơn về vai trò quan trọng của mình trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, Hội nghị cũng đã khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển năng lực và nguồn lực cho y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo quyền tiếp cận y tế công bằng cho toàn dân.
Ảnh 8. Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.
Tiếp nối Hội nghị, vòng 3 (vòng chung kết) của Hội thi “Trưởng trạm y tế giỏi cấp Thành phố” lần 2 năm 2024 của Sở Y tế TP. HCM sẽ diễn ra tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Dự kiến vào cuối tháng 10 năm 2024), tạo cơ hội để các Trưởng trạm y tế xuất sắc nhất thể hiện kiến thức, kỹ năng và năng lực quản lý trong lĩnh vực y tế cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
TS. BS. Đặng Chí Vũ Luân