Ngày 07 tháng 5 năm 2024, Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Anh hùng lao động, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam, tập thể Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Ban Chấp hành Đoàn Trường cùng 96 bạn Đoàn viên, sinh viên của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm tại khu vực tượng Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong khuôn viên nhà trường.
Tham dự buổi lễ có PGS. TS. BS. Nguyễn Trọng Hào, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường; TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. BS CKII. Phạm Quốc Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường; cùng Quý thầy, cô là Trưởng, Phó các đơn vị thuộc/ trực thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đặc biệt là sự tham dự của Nhà điêu khắc Kim Thanh, người đã thực hiện bức tượng Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và VS. TS. BS. Dương Quang Trung được đặt trong khuôn viên Trường.
Ảnh 1. Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Nhà điêu khắc Kim Thanh dâng hương tưởng nhớ Anh hùng Lao động, BS. Phạm Ngọc Thạch.
Anh hùng lao động, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 07/5/1909 tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là con của Nhà giáo Phạm Ngọc Thọ và Công Tôn Nữ Chánh Tín, thuộc dòng dõi hoàng tộc Huế. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mồ côi mẹ khi mới lên 2, không bao lâu thì cha cũng qua đời. Vốn thông minh, học giỏi, sau khi tốt nghiệp tú tài, BS. Phạm Ngọc Thạch theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội từ năm 1928, sau đó sang Pháp tiếp tục sự học và tốt nghiệp bác sĩ ở Paris năm 1934. Ông được giao nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Lao vùng núi phía đông của nước Pháp, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa tại Viện điều dưỡng Haute Villie (Hau-Viu-Li).
Năm 1936, BS. Phạm Ngọc Thạch trở về Việt Nam, mở phòng mạch trị bệnh cho người dân và tham gia hoạt động Cách mạng. Tháng 3/1945, BS. Phạm Ngọc Thạch gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 5/1945, được sự phân công của Xứ ủy Nam Kỳ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thành lập và là Thủ lĩnh của tổ chức Thanh niên Tiền phong; lấy cờ Việt Minh nhưng thay đổi màu - “nền vàng sao đỏ” làm cờ và chọn bài “Lên đàng” làm bài hát chính thức của Thanh niên Tiền phong. Với uy tín và sự phát triển vượt bậc về lực lượng, tổ chức Thanh niên Tiền phong đã cùng tham gia đấu tranh, tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ ngày 08 đến ngày 15/10/1956, tại Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam toàn quốc lần thứ I, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Sinh thời, Miền Nam luôn là nỗi nhớ trong trái tim của BS. Phạm Ngọc Thạch. Năm 1968, BS. Phạm Ngọc Thạch xung phong vào chiến trường miền Nam, trực tiếp tổ chức và tham gia cứu chữa thương binh, tìm cách trị bệnh cho Nhân dân và chiến sĩ. Và cũng chính nơi quê hương Nam Bộ này, BS. Phạm Ngọc Thạch đã hy sinh sau một cơn sốt rét ác tính, cũng là lúc BS. Phạm Ngọc Thạch đang chỉ đạo nghiên cứu căn bệnh này cùng những vấn đề y tế cấp bách khác. Khi nghe tin BS. Phạm Ngọc Thạch hi sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không giấu được đau đớn, lặng im hồi lâu, nhiều đồng nghiệp, cán bộ ngành y tế không cầm được nước mắt trước tổn thất ấy.
Ảnh 2. Các bạn Đoàn viên, sinh viên dâng hương tưởng niệm Anh hùng Lao động, BS. Phạm Ngọc Thạch.
Tại buổi lễ dâng hương, Nhà điêu khắc Kim Thanh đã có những chia sẻ về quá trình hoạt động nghệ thuật cũng như kỷ niệm về Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, về ký ức lúc thực hiện tác phẩm điêu khắc Tượng Anh hùng Lao động, BS. Phạm Ngọc Thạch và VS. TS. BS. Dương Quang Trung, đây là những tác phẩm ưng ý nhất của Nhà điêu khắc. Nhà điêu khắc Kim Thanh cũng gửi tặng bức tượng bán thân BS. Phạm Ngọc Thạch đến PGS. TS. BS. Nguyễn Trọng Hào, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường và PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường; là phần quà mang giá trị tinh thần to lớn, nhất là trong dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; đây cũng là quà tặng mà nhà trường dành tặng cho cán bộ quản lý của Trường nhân dịp kỷ niệm trọng đại này.
Ảnh 3. Nhà điêu khắc Kim Thanh tặng bức tượng BS. Phạm Ngọc Thạch đến đại diện lãnh đạo Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Phát biểu tại Buổi lễ, PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự biết ơn đối với Nhà điêu khắc Kim Thanh và Nhà điêu khắc Nguyễn Sang vì công trình tượng BS. Phạm Ngọc Thạch và VS. TS. BS. Dương Quang Trung được đặt trong khuôn viên Trường. Đây là những giá trị tinh thần to lớn đối với tập thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên nhà trường, đồng thời là nét văn hóa, truyền thống quý báu được nhà trường gìn giữ, trân trọng. PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp cũng chia sẻ về giá trị tinh thần của ngày 07 tháng 5, ngày Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Kỷ niệm 35 năm thành lập Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, gửi gắm Quý Thầy, Cô và các bạn sinh viên của nhà trường những giá trị truyền thống vẻ vang cần giữ gìn và phát huy.
Ảnh 4. PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tưởng niệm Anh hùng lao động, BS. Phạm Ngọc Thạch.
Ảnh 5. Lãnh đạo nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà điêu khắc Kim Thanh.
Ảnh 6. Các bạn Đoàn viên, sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo nhà trường.
Ngày 07 tháng 5 năm hằng năm là Ngày truyền thống Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, và năm 2024 là Kỷ niệm 35 năm thành lập Trường, gắn liền với các sự kiện Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Anh hùng Lao động, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tập thể Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân các sự kiện quan trọng này, phát huy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của nhà trường.
TS. BS. Đặng Chí Vũ Luân