Hội thảo được tổ chức để thống nhất sự phối hợp giữa các đơn vị tham gia đo lường CĐR và đơn vị quản lý CTĐT tại Trường. Giảng viên và Cán bộ quản lý CTĐT tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có thể triển khai hiệu quả, kịp thời công tác đo lường mức độ đạt CĐR CTĐT được phân công. Với mục tiêu Giảng viên và Cán bộ quản lý CTĐT sau khi tham dự hội thảo có thể: (1) Mô tả được hệ thống phân nhiệm môn học cốt lõi để đo lường CĐR CTĐT mà đơn vị mình phụ trách; (2) Sử dụng được các biểu mẫu cần thiết để thống kê các kết quả đo lường; (3) Giải thích được ý nghĩa các số liệu đo lường thu thập được.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Hội thảo bao gồm: (1) Tất cả CTĐT cấp độ đại học thực hiện được phân nhiệm môn học cho CĐR CTĐT theo hệ thống chỉ số đánh giá (PI) đã công bố; (2) Tất cả CTĐT dự thảo được kế hoạch đo lường CĐR CTĐT cho toàn bộ chu kỳ đào tạo; (3) Tất cả CTĐT dự thảo được kế hoạch đo lường CĐR CTĐT cho giai đoạn 2024 – 2025; (4) Các môn học nằm trong kế hoạch đo lường CĐR CTĐT giai đoạn 2024 - 2025 thu thập đầy đủ số liệu.
Mục tiêu của Hội thảo: Giảng viên và cán bộ quản lý chương trình đào tạo tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sau khi tham dự hội thảo có thể (1) Mô tả được hệ thống phân nhiệm môn học cốt lõi để đo lường CĐR CTĐT mà đơn vị mình phụ trách; (2) Sử dụng được các biểu mẫu cần thiết để thống kê các kết quả đo lường; (3) Giải thích được ý nghĩa các số liệu đo lường thu thập được.
Tại Hội thảo, PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lượng giá CTĐT một cách công bằng, khách quan, minh bạch, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc xây dựng một hệ thống đo lường CĐR hợp lý không chỉ giúp đánh giá năng lực của sinh viên một cách chính xác, mà còn đảm bảo rằng sinh viên sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ năng, kiến thức, đạo đức để phục vụ sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, Thầy Hiệp cũng đánh giá cao tính chủ động của Ban tổ chức Hội thảo, Phòng Khảo thí đã tạo cơ hội cho các bên liên quan cùng gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, thống nhất về việc xây dựng hệ thống đo lường CĐR phù hợp thực tiễn tại Trường.
Ảnh 1. PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội thảo.
Chương trình Hội thảo diễn ra với các nội dung sau:
Báo cáo:
Danh sách các Học phần cốt lõi để đo lường CĐR CTĐT;
Hướng dẫn sử dụng các Biểu mẫu để thống kê số liệu đo lường;
Các mốc thời gian triển khai đo lường CĐR giai đoạn 2024 – 2025.
Thảo luận: Vai trò của Khoa Khoa học Cơ bản – Y học Cơ sở, Khoa Y trong phối hợp đo lường các CĐR liên quan đến CTĐT không thuộc quản lý của Khoa.
Câu hỏi từ đại biểu tham dự của các CTĐT và thảo luận chung.
Ảnh 2. ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn, Trưởng Phòng Khảo thí, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo trình bày các nội dung báo cáo tại Hội thảo.
Ảnh 3, 4. Các đại biểu là Cán bộ quản lý và Giảng viên thuộc các CTĐT thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến về việc cải thiện và phát triển hệ thống đo lường CĐR, cũng như cách thức phối hợp một cách hiệu quả giữa các bên liên quan theo quy trình đã ban hành.
Qua các báo cáo và thảo luận, hội thảo đã đưa ra những nội dung quan trọng để định hướng cho việc đo lường CĐR trong thời gian tới:
Các nội dung báo cáo từ Phòng Khảo thí đã cung cấp các thông tin quan trọng liên quan đến việc triển khai đo lường CĐR của CTĐT. Trước hết, danh sách các học phần cốt lõi để đo lường CĐR đã được xác định, giúp việc đánh giá năng lực sinh viên trở nên khoa học và chính xác hơn. Bên cạnh đó, hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng các biểu mẫu thống kê số liệu đo lường cũng đã được giới thiệu, hỗ trợ giảng viên và các Khoa trong việc thu thập và phân tích dữ liệu một cách hiệu quả. Đặc biệt, các mốc thời gian cụ thể cho giai đoạn 2024 – 2025 cũng được đề ra, đảm bảo quá trình triển khai đo lường CĐR diễn ra có kế hoạch và đồng bộ.
Ở phần thảo luận, vai trò của Khoa Khoa học Cơ bản – Y học Cơ sở và Khoa Y trong việc phối hợp đo lường các CĐR liên quan đến CTĐT không thuộc quản lý của Khoa đã được đề cập. Các ý kiến đóng góp đều thống nhất rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Khoa là điều kiện cần thiết để đảm bảo việc đo lường CĐR đạt hiệu quả cao nhất.
Phần hỏi đáp từ các đại biểu tham dự đã mở ra nhiều hướng thảo luận sôi nổi và mang tính xây dựng, đặc biệt là những câu hỏi liên quan đến quá trình triển khai đo lường và các biện pháp cải tiến hệ thống đánh giá. Đây là cơ hội để các giảng viên và đại biểu trao đổi trực tiếp những khó khăn và thách thức, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi cho quá trình đo lường trong thực tế.
Ảnh 5. TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu kết luận tại Hội thảo.
Thông qua Hội thảo, người tham dự đã có thể mô tả chi tiết hệ thống phân nhiệm các môn học cốt lõi để đảm bảo việc đo lường CĐR cho từng CTĐT mà đơn vị mình phụ trách. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công trách nhiệm và kiểm soát chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được hướng dẫn sử dụng các biểu mẫu cần thiết, đảm bảo quy trình đo lường diễn ra chính xác và minh bạch. Giảng viên và Cán bộ quản lý đã có khả năng giải thích rõ ràng và chính xác ý nghĩa của các số liệu đo lường thu thập được, giúp việc phân tích và đánh giá kết quả đào tạo trở nên khoa học và có căn cứ hơn.
Ảnh 6. Chụp ảnh lưu niệm cuối Hội thảo.
Kết thúc hội thảo, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các đại biểu tham dự, đây là cơ sở vận hành hệ thống đo lường CĐR phù hợp thực tiễn tại Trường. Đồng thời, nhà trường sẽ xem xét, ứng dụng vào công tác cải tiến CTĐT trong tương lai, xây dựng một hệ thống đo lường CĐR ngày càng hoàn thiện. Hội thảo không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn khẳng định cam kết của nhà trường trong việc đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, không chỉ cho ngành y tế Thành phố mà còn cho cả nước và toàn xã hội.
TS. BS. Đặng Chí Vũ Luân