Ảnh 1. Toàn cảnh hội thảo “Vững nội lực – Chạm đích đến”
Hội thảo “Vững nội lực – Chạm đích đến” được phòng Công tác Sinh viên và Đoàn thanh niên – Hội sinh viên phối hợp tổ chức với sự tham gia của diễn giả khách mời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Nguồn lực Việt (IRDM) – NCS. ThS. DS. Trần Lê Diễm Anh, cô cũng là người đã thiết kế, điều phối chương trình “Lãnh đạo hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho nhân viên Y tế” (Sở Y Tế TP.HCM), là giảng viên chương trình “Lãnh đạo thực hành chánh niệm “Nuôi dưỡng hạnh phúc và khả năng phục hồi” cho 52 lãnh đạo Y tế (Sở Y Tế TP.HCM) với nhiều công bố quốc tế về sức khỏe tâm thần sinh viên.
Ảnh 2. Thầy Hiệu trưởng trao Thư cám ơn của Trường đến cô Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Nguồn lực Việt – Diễn giả Hội thảo
Đến tham dự tại hội thảo có sự có mặt của:
- Đại diện Ban giám hiệu: PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng,
- Đại diện Phòng Công tác sinh viên: ThS. Ngô Thị Ngọc Ánh – Chuyên viên chính
- Đại diện Đoàn thanh niên – Hội sinh viên: CN. Nguyễn Minh Tài - Phó bí thư Đoàn thanh niên
- Cùng các nhân sự đến từ Viện IRDM và hơn 400 sinh viên từ năm 1 đến năm 6 đến từ khoa Y, khoa Răng Hàm Mặt, khoa Dược, khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học, khoa Y tế công cộng của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có mặt check in từ 17h30 tại Đại giảng đường Phạm Ngọc Thạch.
Ảnh 3. PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp phát biểu khai mạc và chia sẻ thân tình với sinh viên tại hội thảo
Buổi hội thảo được bắt đầu bằng bài phát biểu súc tích và chân thành từ thầy Hiệu trưởng – PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp dành cho sinh viên của Trường. Thầy chia sẻ: Mỗi giai đoạn trong cuộc đời của mỗi người sẽ có đời sống sức khỏe tinh thần khác nhau, các em sinh viên, các thầy cô cũng như chính bản thân Thầy cũng có những áp lực riêng của mình. Với vị thế là người chăm sóc người bệnh chứ không phải là người chăm sóc bệnh, hơn ai hết, một nhân viên y tế cần phải biết tự chăm sóc, rèn luyện cho mình nội lực và một số kỹ năng vượt qua áp lực để giữ thăng bằng trong cuộc sống, đồng thời trang bị cho những người xung quanh mình những hiểu biết về sức khỏe, khả năng tự tạo ra năng lực sức khỏe và dần hình thành văn hóa sức khỏe. Ngoài ra việc tập suy nghĩ tích cực cũng là một kỹ năng cần thiết, ví dụ một số câu nói có tác dụng hướng mọi người đến suy nghĩ tích cực như “Áp lực tạo Kim cương”, “Thất bại là mẹ Thành công”, “Je ne perds jamais. Soit je gagne, soit j’apprends”…
Ảnh 4. Các bạn sinh viên tích cực tương tác với diễn giả tại hội thảo
Các sinh viên có mặt tại hội thảo đã được tiếp cận sâu hơn với các hoạt động chia sẻ và tương tác gắn liền với các nội dung như:
- Tìm hiểu về những trạng thái sức khỏe tinh thần, những triệu chứng của vấn đề sức khỏe tinh thần, từ đó có liên quan gì đến sức khỏe thể chất;
- Nhận dạng các tác nhân nguy cơ và các tác nhân bảo vệ. Từ đó nhận diện sớm vấn đề về sức khỏe tinh thần;
- Nhận dạng sớm các dấu hiệu căng thẳng – kiệt sức – trầm cảm, từ đó có chiến lược đối ứng với căng thẳng – kiệt sức – trầm cảm;
- Truyền cảm hứng với kỹ thuật giảm căng thẳng.
Ảnh 5. Hoạt động trò chơi tại hội thảo: Kỹ thuật giảm căng thẳng
Đây là một trong những hoạt động cho thấy lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm đến công tác chăm lo đời sống tinh thần cho sinh viên bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, nhằm hỗ trợ sinh viên nhận thức về sức khỏe tinh thần ngay từ những ngày đầu năm học, sớm nhận biết về những phương thức hỗ trợ kịp thời, tự nuôi dưỡng nội lực vững mạnh, từ đó đạt thành tựu trong học tập và trưởng thành trong quá trình rèn luyện bản thân.
Ảnh 6. BTC hy vọng những chiếc máy bay với những lời truyền động lực được chính các bạn sinh viên tạo nên này sẽ là nguồn cảm hứng luôn bên cạnh các bạn trên hành trình chạm đích đến của mình.
ThS. Ngô Thị Ngọc Ánh (P.CTSV)