Ảnh 1. Hội nghị Hiệu trưởng AUF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần II được tổ chức tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, quy tụ nhiều đại biểu, lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia từ các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu quốc tế.
Tham dự chương trình, có các đại biểu đại diện của các quốc gia: Về phía Việt Nam có ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Dứt Điểm, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM. Về phía quốc tế, hội nghị có sự góp mặt của ông Lim Bunhok, Quốc vụ khanh, Đại diện Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia; ông Om Romny, Đại diện Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia; ông Pierre Du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam; bà Emmanuelle Pavillon Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM; ông Werner Bardill, Tổng Lãnh sự Thụy Sĩ tại TP.HCM; và nhiều đại biểu khác.
Về phía Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), có sự tham gia của GS. Slim Khalbous, Tổng giám đốc toàn cầu của AUF; GS. Nicolas Mainetti, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của AUF; ông Nguyễn Ngọc Điện, Nguyên Chủ tịch Confrasie; và ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Confrasie.
Về phía Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, có sự tham gia của PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường thành viên AUF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cùng các giảng viên của trường.
Hội nghị Hiệu trưởng các tổ chức thành viên AUF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (C2R-AP) là diễn đàn lớn nhất về giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp ngữ trong khu vực. Với sự tham gia của gần 90 đại diện từ 58 cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu của 9 quốc gia, hội nghị lần này mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá kết quả đạt được và thực hiện tổng kết chiến lược 2021-2025 của AUF. Đồng thời, Hội nghị cũng là cơ hội để các đại biểu thảo luận về các định hướng tương lai, giải quyết những vấn đề đương đại của giáo dục đại học và nghiên cứu, và xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn 2025-2029 của AUF, vì lợi ích của các tổ chức thành viên.
Ảnh 2. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, gửi lời chào mừng đến các trường Đại học thành viên của Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và nhận định đây là sự kiện quan trọng đánh dấu cam kết chung trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng giáo dục trong khu vực. Ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị đại học không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình quản lý mà còn hỗ trợ phân tích dữ liệu, đưa ra các quyết định chiến lược chính xác. AI còn mở ra cơ hội lớn trong nghiên cứu khoa học, nâng cao khả năng phân tích và khám phá, từ đó nâng cao vị thế nghiên cứu của các trường đại học cả trong khu vực và trên thế giới. Tôi mong rằng, sau hội nghị này, các nhà quản lý giáo dục từ nhiều quốc gia sẽ chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về các bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Hợp tác không chỉ là đối thoại, mà còn là sự hợp tác tích cực và hiệu quả, nhằm đáp ứng tốt các nhu cầu của cả trường đại học và xã hội.”
Ảnh 3. Tại Phiên khai mạc, GS. Slim Khalbous – Tổng Giám đốc AUF cho rằng Đại hội toàn thể lần này không chỉ là cơ hội tổng kết chiến lược 2021-2025 của AUF, mà còn là dịp để các Hiệu trưởng trao đổi, thảo luận giải pháp cho các vấn đề giáo dục đại học và nghiên cứu, đồng thời xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn 2025-2029.
Hội nghị gồm bốn phiên chuyên đề, với các nội dung được thảo luận sâu rộng, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo trong quản trị giáo dục đại học và nghiên cứu; Đối thoại giữa giới học thuật và giới nghề nghiệp; Cơ hội của Chương trình trao đổi sinh viên và việc làm quốc tế Pháp ngữ (PIMEF) tại Châu Á - Thái Bình Dương và Chiến lược mới của AUF/ Đồng xây dựng dự án.
Các phiên thảo luận đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu và chuyên gia giáo dục. Một trong những chủ đề nổi bật là việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị giáo dục đại học và nghiên cứu. AI không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình quản lý mà còn hỗ trợ phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành tại các trường đại học. Đặc biệt, AI mở ra nhiều cơ hội trong nghiên cứu khoa học, giúp các nhà nghiên cứu cải thiện khả năng phân tích và khám phá, từ đó nâng cao chất lượng nghiên cứu và vị thế của các cơ sở giáo dục trong cộng đồng Pháp ngữ.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng được thảo luận là việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Mối liên kết này không chỉ tạo cơ hội thực hành cho sinh viên, giúp các em phát triển kỹ năng nghề nghiệp, mà còn thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Những hoạt động này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế trí thức trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ảnh 4. Các đại biểu tham quan các chuyên đề tại Đại hội toàn thể Hội nghị Hiệu trưởng AUF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ II.
Hội nghị Hiệu trưởng các tổ chức thành viên AUF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ II không chỉ là một diễn đàn quan trọng để các đại biểu thảo luận và chia sẻ các chiến lược, mà còn là cơ hội để các tổ chức giáo dục trong cộng đồng Pháp ngữ cùng nhau xây dựng những giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học và nghiên cứu. Thông qua những trao đổi, học hỏi lẫn nhau, các trường đại học và tổ chức giáo dục đã tạo nên nền tảng vững chắc để thúc đẩy các chiến lược hợp tác mới. Những kết quả thu được từ hội nghị sẽ là cơ sở để các bên cùng nhau phát triển, đáp ứng yêu cầu của thời đại, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền giáo dục khu vực và toàn cầu.
TS. BS. Đặng Chí Vũ Luân