Nhằm thực hiện công tác mở ngành theo Nghị quyết số 234/NQ-TĐHYKPNT-HĐT ngày 16/7/2024 của Trường Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch và Kế hoạch tổng thể số 3113/KH-TĐHYKPNT ngày 06/11/2024 của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học tổ chức buổi thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện mở mã ngành đào tạo Cấp cứu ngoại viện trình độ đại học với mong muốn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Cấp cứu ngoại viện, một lĩnh vực thiết yếu trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, chương trình cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Cấp cứu ngoại viện, góp phần nâng cao chất lượng công tác cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người dân.
Ảnh 1. TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng cùng TS. Đặng Trần Ngọc Thanh, Trưởng khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học tặng hoa cho các thành viên thuộc Hội đồng Thẩm định Chương trình đào tạo và các điều kiện mở mã ngành đào tạo Cấp cứu ngoại viện trình độ đại học.
Tham dự buổi thẩm định, có sự tham dự của Hội đồng thẩm định gồm: PGS. TS. BS. Cao Văn Thịnh - Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS. BS. Nguyễn Đức Chính - Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội - Phản biện 1; TS. BS. Huỳnh Quang Đại - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh - Phản biện 2; TS. BS. Trần Quốc Việt - Bệnh viện Quân Y 175 - Ủy viên; TS. BS. Nguyễn Thành - Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hà Nội - Ủy viên; TS. BS. Nguyễn Ngọc Phương Thư -Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên; ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn - Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên thư ký.
Về phía Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, có sự góp mặt của TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng; TS. BSCKII. Phạm Quốc Dũng - Phó Hiệu trưởng; TS. Đặng Trần Ngọc Thanh - Trưởng khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, TS. Đặng Thị Thùy Linh - Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Đại học, cùng quý thầy cô là giảng viên, chuyên viên công tác tại các Phòng, Khoa, Bộ môn thuộc Trường.
Ảnh 2. TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu về tính thiết yếu của việc mở mã ngành Cấp cứu ngoại viện.
Tại chương trình, TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn 2020 - 2021 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vai trò của Cấp cứu ngoại viện đã thể hiện rõ tầm quan trọng trong công tác cứu chữa bệnh. Tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS. Cao Văn Thịnh đã đi tiên phong trong việc mở ngành Cử nhân Điều dưỡng chuyên ngành Cấp cứu ngoại viện. Trong suốt đợt dịch, đội ngũ giảng viên và sinh viên Bộ môn Điều dưỡng Cấp cứu ngoại viện của Trường đã trực tiếp tham gia cùng Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống dịch. Sau khi đại dịch Covid-19, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh sự cần thiết nguồn nhân lực Cấp cứu ngoại viện và đưa ra yêu cầu đào tạo chính thống cho nguồn nhân lực này tại 2 trường Đại học Y Dược TP.HCM và Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch. Đáp ứng nhu cầu này, nhà trường đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực để triển khai mở mã ngành Cấp cứu ngoại viện. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp các giảng viên có thể đào tạo chuyên sâu về ngành Cấp cứu ngoại viện, từ đó đóng góp tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.”
Ảnh 3. Bộ môn Điều dưỡng - Cấp cứu ngoại viện đã báo cáo tóm tắt về chương trình đào tạo và các điều kiện cần thiết để mở ngành Cấp cứu ngoại viện.
Tại chương trình, Bộ môn Điều dưỡng Cấp cứu ngoại viện đã báo cáo tóm tắt về chương trình đào tạo và các điều kiện cần thiết để mở ngành, bao gồm các yếu tố quan trọng như cơ sở vật chất hiện đại, các trang thiết bị giảng dạy tiên tiến, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực Cấp cứu ngoại viện, cùng với các cơ sở thực hành uy tín. Bộ môn cũng đã trình bày chi tiết về hệ thống tín chỉ nhằm đảm bảo sinh viên không chỉ có kiến thức lý thuyết vững vàng mà còn có khả năng ứng dụng kỹ năng trong môi trường cấp cứu thực tế.
Thông tin chung về chương trình đào tạo Cấp cứu ngoại viện trình độ đại học:
Trình độ đào tạo: Đại học
Ngành đào tạo: Cấp cứu ngoại viện (Paramedic)
Hình thức đào tạo: Chính quy
Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt
Thời gian đào tạo: 04 năm
Khối lượng tín chỉ: 132 tín chỉ
Văn bằng tốt nghiệp: Cử nhân cấp cứu ngoại viện (Bachelor of Science in Paramedic)
Chuẩn đầu vào: Tốt nghiệp THPT và theo quy định của đề án tuyển sinh đại học hằng năm của Trường.
Ảnh 4, 5. Các thành viên Hội đồng thẩm định nhận xét, đánh giá chương trình đào tạo Cấp cứu ngoại viện.
Sau phần trình bày và tham vấn từ Hội đồng, chương trình đào tạo và các điều kiện liên quan đến đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất đào tạo ngành Cấp cứu ngoại viện đều đáp ứng các tiêu chí mở ngành. Buổi thẩm định rất thành công với kết luận sau cùng, Chương trình đào tạo Cấp cứu ngoại viện trình độ Đại học được phép thông qua nhưng cần bổ sung thêm minh chứng, các văn bản pháp lý để làm mạnh các luận điểm đã đề ra và cần xem xét, điều chỉnh một số nội dung đã được Hội đồng nêu ra tại chương trình cho phù hợp và hiệu quả.
CN. Lưu Đình Phương Anh