Sáng ngày 11/3/2024, Trường Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch tổ chức Hội thảo giới thiệu về nghiên cứu định tính của chuyên gia Trường Đại học Duke, Hoa Kỳ cho dự án “Nhiễm nấm Talaromyces: so sánh các phương pháp chẩn đoán và mối liên hệ giữa phơi nhiễm nấm với sự hiện diện của nấm trong môi trường”. Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 11 và 12/3/2024 tại Phòng họp Pasteur, khu A3, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch với hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhận được sự quan tâm tham dự của các giảng viên, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tham gia Hội thảo, có PGS. TS. BS Lê Thùy, Chủ nhiệm đề tài, Trường Đại học Duke, Hoa Kỳ; PGS. TS Ngô Thị Hoa, Chủ nhiệm đề tài, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch; PGS. TS. Amy Cornelli, Trường Đại học Duke, Hoa Kỳ; ThS. Kelvin McKenna, Trường Đại học Duke, Hoa Kỳ.
Về phía Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch có sự tham dự của PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng; cùng quý thầy cô là giảng viên, chuyên viên, thành viên Ban nghiên cứu nhiễm nấm Talaromyces (BNC TMRC), các học viên của trường.
Ảnh 1. PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. BS. Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch cho biết: Hoạt động nghiên cứu định tính rất tỉ mĩ, công phu và chưa được thực hành nhiều, ngay cả các đề tài nghiên cứu trong thời gian qua về định tính, định lượng chưa được nhiều. Vì vậy, chương trình hội thảo hôm nay là buổi cầm tay chỉ việc để đem lại kinh nghiệm cho nhóm nghiên cứu dự án “Nhiễm nấm Talaromyces: so sánh các phương pháp chẩn đoán và mối liên hệ giữa phơi nhiễm nấm với sự hiện diện của nấm trong môi trường” thực hiện trong thời gian tới; đồng thời giúp đồng nghiệp ở các đơn vị, đặc biệt là Khoa Y tế công cộng mạnh dạn, tự tin hơn khi hướng dẫn hay thực hiện các đề tài nghiên cứu định tính. Hội thảo cũng được tổ chức thêm hình thức trực tuyến góp phần chia sẻ thông tin, kinh nghiệm rộng rãi cho các học viên, các đơn vị trong và ngoài trường.
Ngày đầu tiên của hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nghe các bài báo cáo của PGS. TS. Amy Cornelli và ThS. Kelvin McKenna. Theo đó, PGS. TS. Amy Cornelli đã nêu bật các nguyên tắc cơ bản và những sai lầm phổ biến trong việc thiết kế, triển khai và phổ biến nghiên cứu mô tả định tính, tập trung vào nghiên cứu định tính được thực hiện trong các lĩnh vực y tế và sức khỏe công cộng; Các phương pháp tiếp cận khác nhau đối với nghiên cứu định tính; Các yếu tố cần xem xét chính khi thiết kế nghiên cứu định tính; Nguyên tắc thiết kế câu hỏi định tính và phỏng vấn. Bên cạnh đó, hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động tích cực kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, các báo cáo viên đã đưa ra những cuộc thảo luận từng nhóm nhỏ thông qua đề tài đặt ra; các cuộc thảo luận cá nhân với báo cáo viên và trả lời, giải đáp những câu hỏi của giảng viên, học viên tham dự trực tiếp, cũng như học viên tham dự online.
Ảnh 2. PGS. TS. Amy Cornelli báo cáo chuyên đề “Thiết kế, triển khai và phổ biến nghiên cứu định tính” và đặt ra đề bài thảo luận.
Theo chương trình, trong ngày thứ 2 của hội thảo, ThS. Kelvin McKenna sẽ tiếp tục phần báo cáo Phân tích dữ liệu định tính: Các nguyên tắc cơ bản của phân tích dữ liệu định tính, tập trung vào phân tích chủ đề; Các bước phân tích trong việc thực hiện phân tích dữ liệu chủ đề áp dụng (thematic data analysis); Cách phát triển và áp dụng mã cho câu chuyện của người tham gia; Cách sử dụng NVivo để mã hóa và hiển thị dữ liệu; Cách xác định chủ đề và viết kết quả nghiên cứu.
Ảnh 3. ThS. Kelvin McKenna giao lưu cùng các học viên tại Hội thảo.
Được biết, Hội thảo lần 2 cho dự án “Nhiễm nấm Talaromyces: so sánh các phương pháp chẩn đoán và mối liên hệ giữa phơi nhiễm nấm với sự hiện diện của nấm trong môi trường” với Chuyên đề phân tích dữ liệu HIV sẽ diễn ra từ ngày 19/3 đến 20/3/2024 tại Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch do báo cáo viên GS. TS. Hrishikesh Chakraborty trình bày với các nội dung như: Quản lý và phân loại dữ liệu; Quá trình nghiên cứu thống kê; Cách chọn mẫu và điều tra lâm sàng; So sánh giữa các nhóm bắt cặp và độc lập; Tỉ lệ mới mắc, tỉ lệ hiện mắc và đo lường các chỉ số tương quan; Hồi quy tuyến tính đơn giản; Hồi quy Logistic; Phân tích sống còn; Phép kiểm cho nghiên cứu sàng lọc và chẩn đoán; Đường cong hoạt động nhận diện (Receiver Operating Curve – ROC).
Ảnh 4, 5. Giảng viên, học viên tham gia thực hành thảo luận đề bài do báo cáo viên đặt ra và thảo luận.
TS. BS. Đặng Chí Vũ Luân