(PNTU) - Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn TP. HCM và gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội của người dân, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tích cực tham gia các công tác phòng, chống dịch COVID-19 cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. HCM.
Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào giai đoạn bình thường mới, đây là kết quả của sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn Dân cùng với lực lượng y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Tập thể Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói chung và các nhân viên, học viên, sinh viên của nhà trường nói riêng đã rất vinh dự được đồng hành trên mọi mặt trận, chống lại đại dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe người dân của Thành phố thân yêu.
Với sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề, hơn 2.600 giảng viên, bác sĩ, nhân viên y tế, học viên và sinh viên của Trường đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã triển khai nhiều mô hình giải pháp hiệu quả trên địa bàn 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Cụ thể, trong công tác chăm sóc và điều trị F0 theo mô hình tháp 3 tầng, nhà trường đã tích cực tham gia và hỗ trợ tối đa về mặt nhân sự. Bên cạnh đó, thông qua lực lượng sinh viên được trang bị kiến thức về sức khỏe cộng đồng và y khoa, nhà trường đã hỗ trợ nhân sự tham gia tại các địa phương trong việc lấy mẫu, truy vết F0 tại cộng đồng và hỗ trợ các điểm tiêm chủng cộng đồng trong toàn Thành phố. Các công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng được nhà trường quan tâm thông qua các hoạt động như “Khám và tư vấn các bệnh lý chuyên khoa từ xa miễn phí”, “Tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa hỗ trợ Quận 10” và “Truyền thông giáo dục sức khỏe” để trang bị kiến thức về sức khỏe và dịch bệnh cho người dân.
Hỗ trợ tối đa cho mô hình Tháp 3 tầng điều trị COVID-19
Trong công tác hỗ trợ mô hình Tháp 3 tầng điều trị COVID-19, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã triển khai 5 đội hình tham gia công tác chăm sóc và điều trị F0 gồm: Tổ Y tế từ xa, đội hình Hỗ trợ phân phối thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir có kiểm soát trên cộng đồng tham gia hỗ trợ tầng 1. Đội ngũ bác sĩ tham gia tại các bệnh viện Dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19; đội hình Tổng đài Cấp cứu 115; đội hình Taxi cấp cứu chuyển bệnh của nhà trường tham gia hỗ trợ tại tầng 2 và tầng 3.
Tình nguyện viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trực tổng đài điều phối công tác cấp cứu chuyển bệnh, 24/24 giờ lắng nghe những khó khăn, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Thành phố
Vào cuối tháng 5, trong bối cảnh số ca bệnh tăng cao, tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115 TP. HCM rơi vào tình trạng quá tải, nhà trường đã kịp thời điều động nhân viên y tế, sinh viên y khoa của Trường tham gia hỗ trợ. Đội hình Tổng đài Cấp cứu 115 gồm 250 tình nguyện viên, trong đó Trường đóng góp 151 nhân sự (chiếm khoảng 60% nhân lực của Tổng đài Cấp cứu 115 vào thời điểm đó), trực tiếp nhận 5000 đến 6000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày của người dân Thành phố và điều phối xe tiếp nhận và chuyển đến cơ sở y tế tiếp nhận phù hợp.
Nhằm đảm bảo công tác, các thành viên của đội hình công tác theo phương châm “03 tại chỗ” liên tục trong 4 tháng tham gia công tác, bảo đảm 40 line điện thoại hoạt động liên tục. Đội hình do BS. Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, nhân viên của nhà trường phụ trách chính. Thông qua hoạt động của tổng đài, nhà trường đã xây dựng được “Cẩm nang Tổng đài Cấp cứu 115”, là cơ sở đề xuất lãnh đạo Thành phố trong việc nâng cấp và mở rộng Trung tâm Cấp cứu 115 TP. HCM. Đây cũng sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc giảng dạy điều dưỡng khối ngành Cấp cứu ngoại viện của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Bên cạnh công tác điều phối xe và cơ sở y tế tiếp nhận F0, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã sẵn sàng xung kích vào “tuyến lửa”, trực tiếp tham gia đội hình Taxi cấp cứu chuyển bệnh F0. Đội hình có quy mô hoạt động trên 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức gồm 400 nhân sự với 200 xe cấp cứu, trong đó nhà trường đóng góp 174 nhân sự và do TS. BS. Võ Hoàng Nhân - Trưởng một phòng chức năng của Trường tham gia điều phối.
Các tình nguyện viên cấp cứu, chuyển viện người nhiễm bệnh COVID-19 khi có biến chứng nặng và nguy kịch.
Các tình nguyện viên nhận lệnh điều phối từ Tổng đài Cấp cứu 115, lãnh đạo y tế địa phương và phối hợp với xe cấp cứu (được chuyển đổi công năng từ 200 chiếc taxi Mai Linh) thực hiện chuyển F0 từ nhà bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, đội hình này cũng sẽ phối hợp với các tổ phản ứng nhanh và trạm y tế địa phương để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân, tư vấn, theo dõi F0 tại nhà, hỗ trợ oxy thở, kích hoạt quy trình điều trị F0 tại nhà (thể nhẹ), hướng dẫn sinh hoạt và sử dụng túi thuốc an sinh an toàn, hiệu quả.
Cũng tại tuyến đầu, công tác điều trị các ca bệnh nặng tại các bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19, bệnh viện Điều trị COVID-19 của tầng 2 và tầng 3 cũng có sự tham gia của lực lượng giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch các chuyên ngành Nhiễm, Nội khoa, Nhi khoa. Đội hình được PGS. TS. BS. Trần Thị Khánh Tường phụ trách và điều phối 250 nhân sự. Bên cạnh đó, nhà trường còn cử lực lượng sinh viên y khoa các năm cuối tham gia trực tiếp công tác điều dưỡng, chăm sóc và theo dõi bệnh nhân tại các tuyến đầu. Đây là cánh tay nối dài cho lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu đang quá tải, góp phần giảm thiểu số ca bệnh chuyển nặng, tử vong.
Nhân viên, sinh viên, học viên của nhà Trường công tác chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nặng tại các khu cách ly, Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19, Bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 2, tầng 3
Đồng thời, nhằm giảm thiểu tỉ lệ bệnh nhân F0 chuyển nặng, tại Tầng 1, tập thể giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chủ động triển khai Mô hình Tổ Y tế từ xa trên toàn Thành phố. Với 1445 bác sĩ, giảng viên, bác sĩ nội trú của Trường, sinh viên y đa khoa, tình nguyện viên, tổng đài Tổ Y tế từ xa đã hỗ trợ công tác theo dõi, tư vấn chăm sóc, điều trị cho hơn 7.000 bệnh nhân F0 trên địa bàn Thành phố. Mô hình này đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong của F0 trong cộng đồng. Sau quá trình hoạt động, đội ngũ tình nguyện viên của Tổ Y tế từ xa đã xây dựng, tổng hợp được các quy trình chăm sóc hỗ trợ F0 từ xa, xuất bản bộ tài liệu “Hướng dẫn F0 tự chăm sóc tại nhà”, đồng thời chuyển giao kinh nghiệm cho Thành phố và các tỉnh thành khác.
Các bác sĩ, giảng viên, bác sĩ nội trú của Trường; sinh viên Y đa khoa tham gia khám, theo dõi, kê đơn (nếu cần), hướng dẫn người nhiễm bệnh COVID-19 tự chăm sóc khi cách ly tại nhà
Cũng trong chương trình chăm sóc và điều trị cho F0, túi thuốc F0 (A-B-C) là một trong những hoạt động được triển khai. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện nhiệm vụ “Phân phối thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir (gói thuốc C) có kiểm soát trên cộng đồng cho F0 nhẹ” do Bộ Y tế, UBND TP. HCM giao phó. Tính đến ngày 14/10/2021, tổng số người bệnh được sàng lọc là 28.952 người, với 11.170 người nhận thuốc, sử dụng và đã mang lại kết quả khả quan.
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường kiểm tra công tác triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát (bằng thuốc Molnupiravir) cho các bệnh nhân COVID-19 nhẹ tại các địa phương
Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát
Không dừng lại ở công tác chăm sóc và điều trị cho F0, các công tác hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh lây lan cũng được nhà trường chú trọng. Với thế mạnh của một Trường Đại học Y khoa hướng đến cộng đồng, nhà trường đã phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) nghiên cứu, xác định yếu tố dịch tễ của COVID-19 nhằm phục vụ công tác điều tra, truy vết; cử sinh viên thuộc khoa Y tế Công cộng và các Khoa khác tham gia trực tiếp công tác nhập liệu các trường hợp bị nhiễm bệnh COVID-19 tại HCDC.
Tình nguyện viên của Trường tham gia tại các địa phương trong việc lấy mẫu, truy vết F0 tại cộng đồng
Nhà trường đã thành lập đội hình lấy mẫu và tiêm chủng cộng đồng, sẵn sàng tác chiến hỗ trợ ngành y tế. Uớc tính có hơn 3.000 lượt sinh viên tham gia với thời gian làm việc của hai đội hình đạt hơn 7.000 ngày hỗ trợ. Hai đội hình đã túc trực trên địa bàn của thành phố Thủ Đức cùng 09 quận, huyện khác (Quận 3, Quận 5, Quận 7, Quận 8, Quận 10, huyện Bình chánh, huyện Hóc môn, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè) hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng cộng đồng.
Bên cạnh các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19 thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân của một Thành phố có quy mô dân số 10 triệu dân là rất lớn. Thấu hiểu được những khó khăn của người dân TP. HCM, nhà trường đã chủ động triển khai khám và tư vấn các bệnh lý chuyên khoa từ xa miễn phí và tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa hỗ trợ Quận 10. Và để mở rộng mô hình, hỗ trợ cho thêm nhiều người dân, Phòng khám Đa khoa Trường, đội ngũ giảng viên, nhân viên y tế của Trường và Phòng khám đã tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe từ xa cho nhân dân Thành phố thông qua Tổng đài 0926 466 337 và 0926 416 833.
Giảng viên, nhân viên y tế của Trường và Phòng khám đã tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe từ xa miễn phí cho người dân
Đồng thời, Trường mở Tổng đài 0926 458 140 tư vấn, khám chữa bệnh từ xa bằng tiếng Anh và tiếng Pháp cho bộ phận người nước ngoài đang sinh sống, mắc kẹt tại Thành phố. Đoàn Thanh niên của Trường cũng đã phối hợp cùng Ban Quốc tế Thanh niên, Thành đoàn TP. HCM chuyển ngữ bộ tài liệu hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà sang tiếng Anh và chuyển đến cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kiến thức để có thể dự phòng, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân trong mùa dịch COVID-19, Phòng khám Đa khoa của Trường đã tổ chức hơn 20 chương trình Truyền thông giáo dục sức khỏe, tập huấn theo hình thức trực tuyến cho người dân và các giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. HCM. Các chương trình hội thảo do Trường tổ chức như “Chăm sóc F0 tại nhà và phòng chống COVID-19 trong cộng đồng”, “Chăm sóc người cao tuổi, người yếu thế trong đại dịch COVID-19”, “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe thích ứng an toàn với COVID-19” đã có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, US CDC, WHO, Hội Quân Dân Y Việt Nam, Đại học Y Dược TP. HCM và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân.
Hội thảo “Chăm sóc F0 tại nhà và phòng chống COVID-19 trong cộng đồng” do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp cùng Bộ Y tế, Sở Y tế TP. HCM, Sở Y tế Hà Nội, US CDC, WHO, Hội Quân Dân Y Việt Nam, Đại học Y Dược TP. HCM tổ chức
Ngoài người dân, lực lượng nhân viên y tế và tình nguyện viên tham gia công tác chống dịch cũng được nhà trường quan tâm, chăm sóc về mặt tinh thần và hỗ trợ về mặt chuyên môn. Nhà trường đã tổ chức các buổi tọa đàm hằng tuần, đến nay tổ chức được hơn 40 buổi, để tư vấn tâm lý và hỗ trợ chuyên môn từ xa và để mọi người cùng chia sẻ, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn.
Điều phối nhân lực và nguồn lực hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh các mô hình, đội hình được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn TP. HCM, một số địa phương có nhu cầu chi viện lực lượng để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh. Nhà trường đã phân công trực tiếp những bác sĩ, giảng viên giàu kinh nghiệm phụ trách chính tại từng khu vực, phối hợp cùng UBND TP.HCM, các quận, huyện, Trung tâm Y tế quận, huyện tìm hiểu nhu cầu và cử lực lượng giảng viên, nhân viên y tế, sinh viên, học viên của Trường chi viện cho các địa bàn này.
TS. BS Phan Nguyễn Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng và TS.BS. Võ Hoàng Nhân - Đặc phái viên của nhà trường trao đổi cùng Trung tâm Cấp cứu 115 về các hoạt động của tình nguyện viên nhà trường đã và đang tham gia hỗ trợ
Nhằm nâng cao mối liên kết giữa Trường và địa phương, Trường đã cử 27 giảng viên với vai trò “đặc phái viên” là đại diện cho Trường liên hệ với các địa phương để nắm bắt nhu cầu và kịp thời điều phối lực lượng chi viện phù hợp. Nhà trường mong muốn lực lượng giảng viên, nhân viên y tế phải cọ sát thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, thông qua công tác phòng chống dịch thu thập những học liệu sống động, thuyết phục nhằm phục vụ công tác giảng dạy, đồng thời có những đề xuất điều chỉnh chương trình giảng dạy y khoa của Trường bám sát với thực tiễn tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn TP. HCM.
27 giảng viên với vai trò “đặc phái viên” là đại diện cho Trường liên hệ với các địa phương
Có thể thấy, các mô hình và đội hình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch triển khai đã hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế trên nhiều mặt trận và góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Để các đội hình được hoạt động hiệu quả, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Trường đã theo dõi sát sao và điều phối, phân bổ nhân lực đúng người, đúng việc. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo và giảng viên phụ trách từng đội hình luôn đồng hành và triển khai các chương trình hỗ trợ kịp thời, tạo hậu phương vững chắc cho các đội hình để giữ vững tinh thần trước những sóng gió của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Ngoài hỗ trợ về mặt chuyên môn và công tác điều phối, Ban Chỉ đạo cũng đã tích cực huy động các nguồn lực, vật lực từ các mạnh thường quân để hỗ trợ các tình nguyện viên đang tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đăng Duy